HUYỆN ĐÔNG SƠN CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH !
date

UBND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 9 tháng đầu năm 2019.

Đăng lúc: 28/10/2019 (GMT+7)
100%
Print

Sáng 23/10, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với chủ tịch UBND 27 huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc một số sở, ngành về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, an ninh-quốc phòng 9 tháng đầu năm 2019. Hội nghị đã tập trung làm rõ những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, công tác phối hợp của UBND các cấp và các sở, ngành cấp tỉnh, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2019.

 

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đông Sơn có đồng chí Lê Trọng Thu - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trưởng các phòng, ngành liên quan.

Tại hội nghị, Sở Kế hoạch và đầu tư đã trình bày tổng hợp đề xuất kiến nghị của các địa phương. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố đã có 32 đề xuất, kiến nghị, đề nghị UBND tỉnh và các sở ngành của tỉnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn các địa phương giải quyết liên quan đến 7 lĩnh vực gồm: Quy hoạch, Giải phóng mặt bằng, về thực hiện dự án đầu tư công, về thu ngân sách, về lĩnh vực nông nghiệp; thành lập doanh nghiệp mới; Về phòng chống dịch bệnh. Trong đó, huyện Đông Sơn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, các Sở ban ngành nghiên cứu hỗ trợ cho các địa phương kinh phí phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Hiện nay, các địa phương đã sử dụng hết nguồn dự phòng. Về công tác giải phóng mặt bằng: Theo Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 30/1/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2019, trên địa bàn huyện Đông Sơn có 89 dự án cần GPMB với tổng diện tích cần GPMB trong năm 2019 là 240,11 ha. Sau khi rà soát, kiểm tra đối soát với Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 trình UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, UBND huyện Đông Sơn đang tổ chức triển khai, thực hiện công tác GPMB 68 dự án có sử dụng đất trên địa bàn huyện Đông Sơn với diện tích 139,29ha. Đã triển khai lập quy hoạch, đo đạc 139,29 ha; kiểm kê, áp giá 119,13 ha; chi trả tiền cho diện tích 91,03ha. Tuy nhiên, trong công tác GPMB cũng gặp phải những khó khăn, cụ thể: Dự án đường Đại lộ Đông Tây giai đoạn 1 UBND huyện Đông Sơn đã kiểm kê, lập phương án bồi thường hỗ trợ GPMB, đã bàn giao cho chủ đầu tư phần đất nông nghiệp. Hiện nay do thành phố Thanh Hóa chưa bố trí được khu tái định cư đất ở cho 11 hộ cần GPMB di chuyển chỗ ở (với khoảng 13 lô đất), nên UBND huyện Đông Sơn chưa phê duyệt được dự toán bồi thường đất ở, công trình trên đất cho 11 hộ dân. Đề nghị UBND TP Thanh Hoá bố trí khu tái định cư đất ở cho 11 hộ để UBND huyện Đông Sơn thực hiện thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân. Sở giao thông vận tải bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng (giai đoạn hoàn chỉnh dự án) để chi trả cho các hộ dân có liên quan, với kinh phí dự kiến: 69 tỷ đồng.

Đối với dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam: Công tác xác định số khẩu nông nghiệp để hỗ trợ đời sống còn gặp khó khăn tại cơ sở đối với các trường hợp nhiều hộ gia đình đang sử dụng chung đất nông nghiệp nhưng giấy chứng nhận chỉ cấp đứng tên 01 hộ hoặc trường hợp hộ gia đình được giao chung ruộng đất theo nghị định 64/CP nay đã tách sổ hộ khẩu nhưng chưa tách đất nông nghiệp, hiện nay các hộ đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đề nghị Sở Tài nguyên hướng dẫn để UBND huyện thực hiện.

 Đối với các công trình công cộng cần phải di dời để GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam như: di chuyển đường nước, di chuyển đường điện, di chuyển viễn thông, hoàn trả kênh mương, giao thông…Các chủ sở hữu công trình cơ bản không thống nhất nhận bồi thường bằng tiền, mà để Hội đồng GPMB lập dự toán di chuyển và hoàn trả bằng công trình tương đương. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh cho phép các huyện lập dự toán di chuyển và hoàn trả bằng công trình tương đương cho các chủ sở hữu.

Đối với dự án thu hút đầu tư vào Cụm Công nghiệp Đông Văn, hiện nay chưa có ý kiến cho phép chuyển đổi đất lúa của Thủ tướng Chính phủ, do đó huyện và nhà đầu tư chưa thể tiến hành giải phóng mặt bằng, điều này ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch GPMB của UBND tỉnh giao. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh, các ngành cấp tỉnh kiến nghị các bộ ngành sớm báo cáo Thủ tướng cho ý kiến. Trước mắt, cho phép UBND huyện Đông Sơn cùng nhà đầu tư là Tổng công ty phát triển đô thị giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 12 ha.

 Về công tác thành lập doanh nghiệp mới trên địa bàn: Công tác tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết các hộ kinh doanh cá thể không có nhu cầu chuyển sang  hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (trong 51 doanh nghiệp, chỉ có 5 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, đạt 9,8%). Khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên Doanh nghiệp, việc phải tổ chức bộ máy kế toán – hành chính, việc thanh tra, kiểm tra hàng năm của cơ quản lý Nhà nước và Luật Bảo hiểm xã hội gây tâm lý e ngại cho các hộ kinh doanh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều rủi ro trong kinh doanh vì phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo thống kê, có đến 90% doanh nghiệp khởi nghiệp không có lãi trong vòng 3 năm đầu. Hiện nay, có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được với các chính sách của nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hội nghị đã dành thời gian để các địa phương tiếp tục trao đổi, nêu các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình chỉ đạo điều hành, các đề xuất kiến nghị chưa được tổng hợp trong báo cáo của Sở Kế hoạch đầu tư .

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực cố gắng của các ngành, các địa phương trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019.

Đồng chí yêu cầu, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết năm 2019, vì vậy các ngành, các địa phương cần rà soát lại toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành, đơn vị và địa phương mình; xem xét các chỉ tiêu, mục tiêu còn thiếu và yếu để tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.

Về việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, đồng chí nhấn mạnh, các ngành, các địa phương phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đã có. Riêng với việc tái đàn, phải xem xét hộ dân nào đủ điều kiện mới được tái đàn, nếu tái dịch thì có chính sách hỗ trợ. Hộ dân nào tự ý tái đàn, sau khi tái dịch lại sẽ không được xem xét hỗ trợ thiệt hại.

Về các đề xuất cụ thể tại hội nghị, đồng chí giao Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, phối hợp với các ngành nghiên cứu giải pháp thực hiện, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét giải quyết./.

                            

 

Thu Hương