Tổng quan
Bộ máy hành chính
Tin tức - Sự kiện
Du lịch - Di tích lịch sử
Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch
Văn bản pháp quy
ĐỀN THỜ NGUYỄN NHỮ SOẠN XÃ ĐÔNG YÊN
Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở làng Cẩm Nga: Thân phụ của Nguyễn Nhữ Soạn là Nguyễn Phi Khanh – nguyên quán ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn (nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) sau dời đến xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội). Nguyễn Phi Khanh đỗ bảng nhãn triều Trần, vợ là bà Trần Thị Thái – con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông bà sinh được 04 người con trai là Nguyễn Trãi, Phi Báo, Phi Hùng, Phi Ly. Bà Trần Thị Thái mất sớm, Nguyễn Phi Khanh lấy người vợ kế họ Nhữ, quê làng Mục Nhuận, sinh được hai người con trai là Nguyễn Nhữ Soạn và Nguyễn Nhữ Trạch. Như vậy, Nguyễn Nhữ Soạn và Nguyễn Trãi là hai anh em cùng cha khác mẹ.
Nguyễn Nhữ Soạn tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những buổi ban đầu. Trong những năm 1418 – 1423, nguyễn quân Lam Sơn hoạt động ở miền tây Thanh Hoá, Nguyễn Nhữ Soạn và Ngô Sỹ Liên được Bình Định Vương giao cho làm nhiệm vụ thư ký. Sau đó ông được chuyển sang làm võ quan, phụ trách ngăn quân giặc ở phía biên giới Việt – Lào; rồi sau được phái sang Lào tìm Trần Cảo đưa về nước để lập làm vua Thiên Khánh nhằm đối phó với quân Minh (gia phả).
Nguyễn Nhữ Soạn là một võ tướng có tài, tham gia nhiều trận chiến đấu chống lại sự đàn áp của quân Minh. Ông cùng với các tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý chỉ huy nghĩa quân đánh tan các cuộc càn quét của quân giặc ở Lạc Thuỷ, Nga Lạc, Ba Lẫm… Khi nghĩa quân Lam Sơn bị quân giặc vây hãm phải rút về Chí Linh, lương thực khánh kiệt, quân lính chỉ còn hơn 100 người, Lê Lợi sai Nguyễn Nhữ Soạn và Lê Trân đi thương lượng hoà hoãn với quân Minh nhằm bên ngoài giả thác hoà thân, bên trong lo rèn chiến cụ.
Năm 1424, theo kế sách của Nguyễn Chích, Lê Lợi tiến quân vào Nghệ An. Sau khi giành được thế đứng vững chắc trên đất Nghệ An, Lê Lợi sai Nguyễn Nhữ Soạn cùng Đinh Lễ, Trần Nguyên Hãn… đem quân đánh thành Nghệ An, rồi từ đó tiến vào giải phóng vùng Tân Bình, Thuận Hoá. Sau đó tiến ra Bắc giải phóng Đông Đô.
Để cứu Vương Thông thoát khỏi sự bao vây của nghĩa quân Lam Sơn ở thành Đông Đô, tháng 9 năm 1427 nhà Minh huy động 20 vạn quân, chia làm hai đạo tiến vào nước ta. Đạo thứ nhất do Liễu Thăng chỉ huy dẫn hơn 10 vạn binh, 02 vạn ngựa từ Quảng Tây theo cửa ải Pha Luỹ tiến vào nước ta. Đạo thứ hai do Mộc Thạnh chỉ huy 05 vạn lính, 01 vạn ngựa từ Vân Nam kéo sang nước ta qua ải Lê Hoa. Nắm rõ âm mưu của địch, với thế chủ động, Lê Lợi đã sai các tướng trong đó có Nguyễn Nhữ Soạn phục kích đánh đạo quân của Liễu Thăng ở ải Chi Lăng, Nguyễn Nhữ Soạn, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Hào, Lê Diên bốn mặt phục binh đánh úp, chém đầu Liễu Thăng ở núi Mã Yên. Quân giặc tan vỡ, Nguyễn Nhữ Soạn thu được các cáo sắc của Liễu Thăng, con dấu bằng bạc, một quả song hổ phù đem về dâng nộp cho Lê Lợi (gia phả).
Mùa xuân năm 1428, đất nước sạch bóng quân thù, Bình Định Vương lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Lê. Để ghi công trạng của các tướng sĩ, những người có công khó nhọc trong sự nghiệp bình Ngô mở nước, Lê Thái Tổ đã sai Nguyễn Nhữ Soạn và Ngô Sĩ Liên biên chép tên họ, công lao sự nghiệp của các công thần từ khi khởi nghĩa đến ngày sạch bóng quân thù để làm Bảo Lục Lam Sơn. Sau đó, ông được cử giữ chức Tham tri dân quân Hải tây đạo. Năm 1434 niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất, Nguyễn Nhữ Soạn được vua Lê Thái Tông cử giữ chức Bắc đạo đồng tri quân bạ tịch. Năm 1437, Nguyễn Nhữ Soạn được cử làm Chính sự viện tham nghị, hàm tứ phẩm, sau được thăng lên Nam đạo hành khiển, tước Quan nội hầu.
Nguyễn Nhữ Soạn có 03 người con trai đều có công lao xây dựng và bảo vệ cơ đồ sự nghiệp nhà Lê. Con trai cả là Nguyễn Nhữ Trực được phong tặng là Lãng Dương Hầu, Dương Quận Công. Thứ hai là Nguyễn Nhữ Ngộ được phong là Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Đôn Nghĩa Hầu, Quận công. Thứ ba là Nguyễn Nhữ Lượng được phong là Đại Lộc Hầu.
Nguyễn Nhữ Soạn mất ngày 8 tháng 4 năm Mậu Thìn (1448), đời vua Lê Nhân Tông (1443 – 1459). Nhà vua ban sắc phong tặng là Bậc khai quốc công thần, Vinh lộc đại phu, Tả xa kỵ, đại tướng quân, Quan phục hầu, Nhập thị nội hành khiển, Tư mã, tặng Thái phó Tuy quốc công, bao phong Thượng đẳng Phúc thần và sai dân địa phương lập đền thờ phụng theo điển phép nhà nước.
Đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1990 (theo Quyết định số 1539/QĐ-BTBVH ngày 27/12/1990 của Bộ Văn hoá – Thông tin).
(Trích Nguồn Sách Đông Sơn truyền thống lịch sử văn hóa)