Tổng quan
Bộ máy hành chính
Tin tức - Sự kiện
Du lịch - Di tích lịch sử
Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch
Văn bản pháp quy
DI TÍCH ĐỀN THỜ NGUYỄN TRUNG NGHĨA XÃ ĐÔNG YÊN
Gia phả ghi: Thuỷ tổ Nguyễn Trung Nghĩa là tướng quân túc liệt của triều Lê, tước phong là Vệ Vũ Hầu, lại phong thêm làm Thần là Tuý mục Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần. Các thế hệ tiếp theo của dòng họ Nguyễn Trung như: Nguyễn Trung Hiền được phong tước là Thị vệ Sự Sơn Hầu, Nguyễn Trung Đạo được phong tước Triều Dương Hầu, Nguyễn Huệ Trung làm Huyện lệnh huyện Quảng Xương, Nguyễn Trung Ý làm huyện lệnh huyện Phụng Hoá, Nguyễn Huệ Trí được phong tước là Thập lý hầu…
Theo văn bia viết dựng tháng 11 năm 1945 ghi tổ tiên là người khai canh lập ấp, sinh hạ 17 đời.
Theo sắc phong, phong cho Nguyễn Trung Nghĩa đề ngày 25 tháng 9 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1925) ghi:
Sắc cho thôn Trung Bình Đông, xã Mộc Nhuận phủ Đông Sơn tỉnh Thanh Hoá (nay là thôn Yên Bằng – xã Đông Yên, huyện Đông Sơn – tỉnh Thanh Hoá) phụng thờ Nguyễn Trung Nghĩa triều Lê nổi tiếng linh ứng, tới nay vừa đúng vua tứ tuần (40 tuổi) làm lễ khánh tiết mang ban chiếu báo ơn sâu lễ rộng thăng lên một bậc lại gia tặng thêm làm Thần Dực Bảo Trung Hưng linh phù, chuẩn phong cho thôn xã trên phụng thờ thần như cũ để thần ngầm giúp dân (theo bản dịch của Nguyễn Văn Hải thư viện khoa học tổng hơp tỉnh).
Đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa ngày xưa có diện tích rộng lớn vài nghìn m2. Khu vực đền ngày xưa gồm sân ngoài, nhà tiền đường 5 gian. Đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa được trùng tu vào niên hiệu Duy Tân nhị niên (1908) ghi trên thượng lương. Trải qua biến thiên của lịch sử, sự hủy hoại của thiên nhiên hiện nay chỉ còn sân nhà trung đường chính tẩm. Đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa hiện nay là công trình kiến trúc gỗ gồm ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái (vẫy) dài 7,90m, rộng 6,20m và một số đồ thờ có giá trị: Sắc phong thần cho Nguyễn Trung Nghĩa niên hiệu Khải Định, long ngai giao ỷ thần vị, hòm sắc mũ vua ban bình hương lư hương bằng đá, kiệu sơn thếp, bia đá từ đường nói về Nguyễn Trung Nghĩa là người khai cơ lập ấp và các đồ thờ có giá trị khác. Kết cấu kiến trúc tuy không lớn song rất hài hoà, vật liệu xây dựng chất liệu tốt, thức kiến trúc theo kiểu dân gian truyền thống.
Đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh năm 2006.
(Trích nguồn Lý lịch di tích theo Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 12/01/2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)