date
Tổng quan
Bộ máy hành chính
Tin tức - Sự kiện
Du lịch - Di tích lịch sử
Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch
Văn bản pháp quy
Lịch sử hình thành và phát triển
Đăng lúc: 26/05/2015 (GMT+7)
Lịch sử hình thành & Phát triển
Qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, huyện Ðông Sơn có nhiều thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính.
Tên gọi "Ðông Sơn" được đặt từ đời nhà Trần, huyện Đông Sơn thuộc trấn Thanh Ðô.
Thời thuộc Minh thuộc phủ Thanh Hoá
Thời Lê Quang Thuận thuộc phủ Thiệu Thiên, sau đổi thành Thiệu Hoá. Huyện Ðông Sơn thuộc phủ Thiệu Hoá.
Ðầu thế kỷ thứ XIX, huyện Ðông Sơn gồm 6 tổng, 145 làng, kẻ, xá, thôn, trang, vạn, gia, giáp, sở, phường
Năm 1928, huyện Ðông Sơn đổi thành phủ, bao gồm có 7 tổng, 115 làng và 5.794 dân đinh.
Năm 1946, chính quyền cách mạng chia 7 tổng thành 22 xã.
Năm 1948, sát nhập lại thành 13 xã.
Năm 1953, chia thành 22 xã, cuối năm 1954, chia thành 25 xã.
Năm 1963, chuyển 4 xã Ðông Thọ, Ðông Hương, Ðông Vệ, Ðông Hải, năm 1972, chuyển tiếp xã Ðông Giang về thị xã Thanh Hoá, Ðông Sơn còn lại 20 xã.
Ngày 5/7/1977, thực hiện Nghị định 177/HÐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), sáp nhập 16 xã của huyện Thiệu Hoá và đổi tên thành huyện Ðông Thiệu có 36 xã. Ngày 30/8/1982, thực hiện Nghị định số 149/HÐBT của Hội đồng Bộ trưởng đổi tên huyện Ðông Thiệu thành huyện Ðông Sơn.
Ngày 28/4/1992, thành lập thị trấn Rừng Thông (trung tâm huyện lỵ) trên cơ sở cắt một phần của các xã: Ðông Xuân, Ðông Tân và Ðông Lĩnh, huyện Ðông Sơn có 36 xã và một thị trấn.
Ngày 18/1/1996, thực hiện Nghị định số 72/CP của Chính phủ, tách 16 xã của huyện Thiệu Hoá tái lập huyện Thiệu Hoá, chuyển xã Ðông Cương sáp nhập vào thành phố Thanh Hoá, Ðông Sơn còn 19 xã và 1 thị trấn.
Tháng 4/2006, thành lập thị trấn Nhồi (tách một phần từ 2 xã Đông Hưng và Đông Tân).
Tháng 7/2012, thực hiện Nghị quyết 05 - NQ/CP của Chính phủ sát tách 5 xã, thị trấn: Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Hưng, Đông Vinh và thị trấn Nhồi vào thành phố Thanh hoá, huyện Đông Sơn còn lại 15 xã và 1 Thị trấn.
Truyền thống chống giặc ngoại xâm
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã ghi nhận sự đóng góp đáng kể của nhân dân Đông Sơn qua các thời kỳ lịch sử. Nhiều vị anh hùng dân tộc đã sinh ra trên mảnh đất "địa linh, nhân kiệt" này .
Thời Trần có Thiều Thốn, người xã Đông Tiến là một tướng giỏi có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ biên cương Tổ Quốc.
Thời thuộc Minh (1407-1427), có Nguyễn Chích, người xã Đông Ninh theo Lê Lợi tụ nghĩa tại Lam Sơn, có nhiều đóng góp vào thắng lợi đánh đuổi giặc Minh giải phóng đất nước. Là một trong 19 vị công thần và được Lê Lợi phong tước Đình thượng hầu.
Thời Vua Lê, Nguyễn Khải, người xã Đông Thanh là người văn võ song toàn, có công phò Lê diệt Mạc, được cử giữ chức Thượng thư Bộ binh, sau được phong Thái phó.
Trong kháng chiến chống quân Thanh xâm lược, nhân dân Đông Sơn lại tụ họp cùng các tướng sĩ của các đạo quân Nguyễn Huệ cùng với đại binh tiến quân thần tốc ra Thăng Long đánh bại 20 vạn quân Thanh, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Cuối thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn bạc nhược, đầu hàng thực dân Pháp. Nhân dân Đông Sơn đã tham gia vào nghĩa quân của Lê Thế Tấu (xã Đông Lĩnh), Lê Văn Thức (xã Đông Tiến) cùng thành lập đội nghĩa quân tại Bôn (nay là xã Đông Thanh) tiếp ứng, phối hợp với nghĩa quân Lê Khắc Tháo, Tống Duy Tân, Phạm Bành, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương do Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng. Phụ trách phong trào Cần Vương ở Thanh Hoá là Trần Xuân Soạn, người huyện Đông Sơn. Tham gia phong trào Cần Vương còn có Nguyễn Hữu Hạnh (người xã Đông Thanh) là một viên tướng giỏi, có đóng góp trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Phong trào Cần Vương đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của nhân dân Đông Sơn.
Đầu thế kỷ XX, nhân dân Đông Sơn với truyền thống yêu nước và cách mạng đã nhanh chóng đón nhận tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 3/1927, tại làng Hàm Hạ, tổng Kim Khê (nay là làng Đại Đồng, xã Đông Tiến), chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập và đến ngày 25-6-1930 chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá cũng được thành lập tại đây. Đồng chí Lê Thế Long, người làng Hàm Hạ, tổng Kim Khê làm bí thư chi bộ Hàm Hạ và ngày 29/7/1930 là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên. Cuối năm 1930, cùng với tỉnh uỷ Thanh Hoá, hoạt động của chi bộ Hàm Hạ bị địch phát hiện. Đầu năm 1931, hầu hết các đảng viên đều bị bắt, chi bộ Hàm Hạ bị khủng bố. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột trong Huyện vẫn tiếp tục diễn ra hoà chung với phong trào cả nước. Cuối năm 1942, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, các đoàn thể cứu quốc trong Huyện ra đời, phong trào cách mạng ở Đông Sơn được phục hồi và phát triển. Tháng 4/1945, Ban cán sự Việt Minh Đông Sơn được thành lập. Từ ngày 19 đến ngày 23 tháng Tám, khởi nghĩa lần lượt giành được thắng lợi ở các địa phương trong huyện.
Ngày 27/8/1945, UBND cách mạng lâm thời huyện, chính quyền dân chủ nhân dân Đông Sơn ra đời, ngày 22/11/1945, đổi thành uỷ ban hành chính lâm thời, ngày 06/01/1946, cuộc tổng tuyển cử trên địa bàn huyện đã bầu ra Hội đồng nhân dân cơ sở và trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân cơ sở bầu ra uỷ ban hành chính huyện, chính quyền do dân bầu cử lần đầu tiên được thành lập, vai trò của chính quyền cách mạng được xác lập.
Từ tháng 3/1946 đến tháng 9/1947, tổ chức Đảng ở Đông Sơn được tái lập, chi bộ cơ quan huyện ủy và các chi bộ khu vực lần lượt ra đời. Cuối năm 1947, Đảng bộ huyện tiến hành đại hội lần thứ nhất, quán triệt chủ trương kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện của Trung ương Đảng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Đông Sơn đã có 2233 thanh niên tham gia bộ đội, 280 đồng chí đã hy sinh anh dũng. Hàng chục nghìn lượt người đi thanh niên xung phong, hàng nghìn cán bộ thoát ly hoạt động trong các ngành kinh tế - xã hội phục vụ kháng chiến trên khắp mọi nẻo đường, mọi chiến trường.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đông Sơn có 14.700 thanh niên tham gia bộ đội; 6500 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong và trên 3.000 người đi dân công phục vụ chiến trường. Đóng góp trên 250.000 tấn lương thực, 30.000 tấn thực phẩm, đào đắp 1.276.000 mét giao thông hào, xây dựng công sự và trận địa pháo.
Với những công lao đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến và thành tích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng bộ và nhân dân Đông Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu anh hùng lực lương vũ trang vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”; 3 tập thể: Lực lương công an huyện, cán bộ nhân dân và lực lượng vũ trang các xã Đông Văn, Đông Nam và 3 cá nhân: Ông Lê Duy Cận (xã Đông Nam), Ông Lưu Huy Chao (xã Đông Anh) và ông Đỗ Viết Chuyền (xã Đông Minh) được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang; 64 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Lực lượng vũ trang Đông Sơn được tặng Huân chương quân công hạng Nhì, trên 5.000 cá nhân khác được tặng thưởng huân huy chương các loại.
Trong thời kỳ đổi mới, cán bộ và nhân dân huyện Đông Sơn được tăng Huân chương lao động hạng nhất, tập thể cán bộ và nhân dân xã Đông Văn và ông Trần Bang xã Đông Nam được phong tặng anh hùng lao động, hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng thưởng các huân, huy chương và các danh hiệu thi đua cao quý khác.
Là địa phương vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ chủ chốt tỉnh Thanh hoá lần đầu tiên sau cách mạng Tháng Tám tại Rừng Thông (ngày 20/12/1947).
Mảnh đất Đông Sơn đã sinh ra và nuôi dưỡng biết bao bà mẹ Việt nam anh hùng, các tướng lĩnh, các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, của quân đội. Nhân dân Đông Sơn rất tự hào có Thượng tướng Lê Khả Phiêu, người xã Đông Khê đã trở thành Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt nam.
Tin khác