HUYỆN ĐÔNG SƠN CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH !
date

Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân tại trường Mầm non Đông Minh, huyện Đông Sơn

Đăng lúc: 14/03/2024 (GMT+7)
100%
Print

Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ, chăm lo đời sống

 Nhân dân tại trường Mầm non Đông Minh, huyện Đông Sơn

                                     

 

Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng khẳng định vai trò, sứ mệnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của mình: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lịch sử đấu tranh của cách mạng, giải phóng dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng như trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước là minh chứng sinh động khẳng định vị trí, vai trò của nhân dân. Và xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy quyền dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là một trong những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới; đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân được thể hiện là phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân. Dân chủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích ngắn gọn, xúc tích là dân là chủ và dân làm chủ. Người từng khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích cũng vì dân. Bao nhiêu quyền hạn cũng là của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Do đó, dân chủ là đề cao vị thế là chủ, vai trò làm chủ của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng; phát huy dân chủ là làm cho vị thế là chủ, vai trò làm chủ. Theo đó, Đảng, Chính quyền phát huy dân chủ chính là bảo đảm quyền con người, quyền công dân, làm sao cho Nhân dân có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm.

Chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh  chính là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Theo Bác, muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về một trong những điều tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Chăm lo đời sống nhân dân là sứ mệnh của Đảng ta ngay từ khi ra đời. Phải chăm lo đời sống của người dân đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, trước hết là bảo đảm việc làm, chăm lo cái ăn, cái mặc, sức khỏe, việc học hành... của nhân dân; nhân dân phải được sống trong một xã hội tiến bộ và công bằng, được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, được tham gia vào các hoạt động chính trị như giám sát, phản biện các hoạt động của Chính phủ; xây dựng một xã hội công bằng, lối sống có văn hóa, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ và chăm lo đời sống nhân dân, trường Mầm non xã Đông Minh, huyện Đông Sơn được thực hiện rất tốt. Trường mầm non Đông Minh là một trường thuộc xã thuần nông, nằm ở phía Tây huyện Đông Sơn, cách trung tâm huyện 5km, dọc theo đường quốc lộ 47, phía Bắc giáp xã Đông Khê và Đông Ninh, phía Đông giáp xã Đông Khê, phía Nam giáp xã Đông Xuân, phía Tây giáp xã Đông Hoà. Trải qua 29 năm xây dựng và trưởng thành từ năm 1995 đên nay, Nhà tường đã xây dựng được đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Cơ sở vật chất khang trang sạch đẹp, có đầy đủ phòng học, các phòng chức năng, cũng như thiết bị dạy và học đảm bảo nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Với 23 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong những năm qua, Nhà trường luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện chương trình công tác với những giải pháp cụ thể; thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, giáo viên; tích cực chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường. Điều này được biểu hiện cụ thể đó là:

Thứ nhất, về đời sống vật chất: các chế độ tiền lương và các phụ cấp dành cho cán bộ, giảng viên luôn được chi trả đầy đủ, kịp thời. Các chế độ, quyền lợi của CB, GV được đảm bảo. Hàng năm, Công đoàn Nhà trường đã tổ chức khám kiểm tra sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Phối hợp chuyên môn tổ chức tham quan, nghỉ mát hàng năm...các hoạt động này giúp CB, GV có cơ hội giao lưu nghỉ ngơi, phục hồi, rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngoài các chế độ theo quy định, người lao động còn được hỗ trợ thêm từ quỹ phúc lợi, quỹ lương.

Thứ hai, Nhà trường luôn luôn quan tâm tạo điều kiện để khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ, các giáo viên đều không ngừng tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho chính bản thân mình và coi đó là một trong những nội dung thiết yếu, tạo ý chí, động lực, trách nhiệm cao cho đội ngũ nhà giáo. Hằng năm, Ban Giám hiệu tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường, từ đó, rà soát, phân loại năng lực cán bộ, giáo viên; lấy đó làm căn cứ để xây dựng kế hoạch năm học, đưa ra các biện pháp bồi dưỡng, giúp đỡ, động viên để giáo viên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu còn tổ chức cho giáo viên đi giao lưu với các trường khác để học tập kinh nghiệm trong chuyên môn, từ đó không chỉ giúp giáo viên củng cố kiến thức mà còn được tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới như Montessori, STEM, công nghệ chuyển đổi số. Thông qua đó, giúp giáo viên có tinh thần, trách nhiệm với công việc được giao, luôn chủ động, sáng tạo để tìm ra những phương pháp đổi mới trong dạy học, chủ động tiếp cận các nguồn học liệu mở để tạo hiệu quả giáo dục tốt nhất. Nhà trường luôn luôn khuyến khích giáo viên tự tìm hiểu, trao đổi, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám hành động quyết liệt trong dạy và học để đạt chất lượng hiệu quả cao. Với mục đích mà Nhà trương đề ra: luôn luôn lấy trẻ làm trung tâm để từ đó áp dụng phương pháp giảng dạy mới, phát huy khả năng sáng tạo, linh hoạt của trẻ. Do đó, giờ giảng của các cô đã thực sự thu hút sự chú ý, tác hợp của trẻ và được đồng nghiệp đánh giá rất cao.

 Thứ ba, Trong thời gian qua việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại Nhà trường đảm bảo tốt, tạo cơ sở và tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Các hoạt động trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển; giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với cán bộ, giáo viên nha trường đều được bàn bạc, thảo luận công khai dân chủ theo quy định.

Thứ tư, Được sự quan tâm của Huyện, xã và phụ huynh đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất Nhà trường theo hướng đồng bộ, hiện đại, kiểu mẫu, đảm bảo phục vụ đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cùng với việc tiếp tục chăm sóc cảnh quan, môi trường Nhà trường sạch, xanh, sáng và đẹp Nhà trường đã quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất vào phục vụ hoạt động nghiên cứu, dạy-học. Các phòng chức năng được đầu tư trọng điểm đồ dùng trang thiết bị đẹp hiện đại đảm bảo cho hoạt động học chuyên biệt. 

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mà Nhà trường đã đạt được trong thời gina qua, vẫn còn một số tồn tại hạn chế nhất định. Cụ thể là: Tuy đã được cung cấp công khai các thông tin và trưng cầu ý kiến nhưng việc phát biểu các ý kiến xây dựng trong nội bộ đơn vị của một số các nhân còn hạn chế, chưa phát huy hết sức mạnh tập thể để xây dựng Nhà trường lớn mạnh. Một bộ phận CB, GV chưa phát huy hết vai trò làm chủ của mình, vẫn còn sự cả nể trong nhận xét, đánh giá cán bộ, trong công tác thi đua khen thưởng. Việc nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của CB, GV có lúc, có nơi chưa kịp thời.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế đã nêu trên, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu dưới đây

- Một là, Tiếp tục nâng cao nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, về chăm lo đời sống nhân dân nói riêng với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và cá nhân. Đưa nội dung này vào chương trình, kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị và cá nhân hằng năm, hằng quý, nhất là thành chuyên đề sinh hoạt tại chi bộ gắn với nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mỗi cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên.

- Hai là, Lãnh đạo nhà trường luôn lắng nghe ý kiến góp ý của quần chúng và tập thể, luôn tôn trọng ý kiến tập thể, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy ý kiến đa số để quyết định những vấn đề quan trọng của nhà trường và kịp thời điều chỉnh những tồn tại, khuyết điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo đạt hiệu quả cao hơn.

- Ba là, Thường xuyên tiến hành tự kiểm tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ nhằm chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót của công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

- Bốn là, Phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân về thực hịên Quy chế dân chủ trong nội bộ cơ quan; cấp uỷ Đảng phối hợp lãnh đạo cơ quan, Ban Chấp hành công đoàn tích cực chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu quả.

 

Họ và tên: Đinh Thị Thịnh

Lớp:  Trung cấp LLCT A5 - K51

Đơn vị công tác: Trường Mầm non Đông Minh, Đông Sơn

 

Ghi chú:

Bài viết sử dụng nội dung trong Báo cáo tổng kết năm học của Nhà trường năm học 2021-2022; 2022 – 2023.

  
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)